Xe đạp trẻ em có bánh phụ thường được phụ huynh lựa chọn cho trẻ mới bắt đầu sử dụng xe đạp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phương tiện này để giải trí rất tốt, nhưng không phải là cách tối ưu để tập cho bé biết đạp xe 2 bánh từ sớm. Để làm rõ vấn đề này, cũng như giúp cha mẹ có cách nhìn nhận và hướng dẫn tốt nhất cho bé, bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến xoay quanh bánh phụ xe đạp trẻ em.
Giải đáp thắc mắc về xe đạp trẻ em có bánh phụ
Tại sao xe đạp trẻ em có bánh phụ lại tệ?
Đầu tiên, cần khẳng định, sử dụng bánh phụ xe đạp trẻ em không phải là điều xấu. Chúng giúp chiếc xe tự giữ thăng bằng và đảm bảo an toàn, cho trẻ thoải mái nô đùa khi ngồi trên yên xe. Xe đạp lắp bánh phụ, hay những sản phẩm tương tự như xe đạp trẻ em 3 bánh, đều là món đồ chơi giải trí tuyệt vời dành cho các em bé.
Tuy nhiên, nếu mục đích của cha mẹ là muốn các bé biết đạp xe từ sớm, thì loại xe có bánh phụ không phải là giải pháp tốt nhất bởi hai nguyên nhân chính sau:
- Trẻ không thể học kỹ năng giữ thăng bằng: Giữ thăng bằng là kỹ năng quan trọng nhất cần nắm nếu muốn đi xe đạp 2 bánh. Trên thực tế, trẻ sử dụng xe đạp có bánh phụ không thể học cách tự giữ cân bằng, điều này gây ra nhiều khó khăn cho các con khi chuyển sang tập xe đạp thông thường.
- Nguy hiểm với địa hình không bằng phẳng: Xe đạp trẻ em có bánh phụ rất khó điều khiển trên những địa hình không bằng phẳng. Nếu mặt đường bị nứt, gồ ghề hoặc bị nghiêng, bánh xe phụ cũng sẽ bị mất cân bằng và xe có nguy cơ bị lật. Điều này sẽ khiến trẻ khó chịu, hoảng sợ và thậm chí không muốn đạp xe nữa.
Trẻ đi xe có bánh phụ không thể học cách giữ thăng bằng từ sớm
Nên mua xe đạp trẻ em có bánh phụ hay xe đạp thăng bằng?
Xe đạp thăng bằng có thiết kế rất nhỏ, yên xe thấp và không có bàn đạp, sử dụng được cho cả trẻ em chỉ từ 18 tháng tuổi. Chúng được đánh giá là phương pháp tốt nhất để giúp bé học đạp xe. Ngày nay, nhiều chuyên gia khuyên rằng cha mẹ nên để bé con bắt đầu với một chiếc xe cân bằng, sau đó chuyển tiếp sang xe đạp 2 bánh mà không cần lắp bánh phụ.
Vì đã được làm quen với việc tự giữ thăng bằng, nên về sau, trẻ sẽ học đi xe đạp 2 bánh nhanh chóng và dễ dàng hơn, thậm chí không tai nạn, không đau đớn. Các con sẽ không phải gặp những điều ám ảnh như chúng ta từng gặp khi tập đi xe đạp trước đây.
Làm cách nào để giúp bé quen với việc tháo bánh xe phụ?
Nếu các con của bạn đã lớn và đã từng đi xe đạp trẻ em có bánh phụ, thì bạn cũng đừng lo lắng. Hãy tạm thời tháo bánh phụ và bàn đạp ra khỏi chiếc xe con bạn đang dùng, sau đó để trẻ từ từ tập luyện và trượt trên xe đạp. Một khi bé đã giữ được thăng bằng và điều khiển tốt nó, bạn có thể lắp bàn đạp trở lại. Lúc này bé đã sẵn sàng học cách đạp xe rồi đấy!
Bé ở tuổi nào thì nên bỏ bánh xe phụ?
Thời điểm tháo bỏ bánh phụ xe đạp cho bé hoàn toàn tùy thuộc vào kỹ năng, độ vững vàng của các con và cách tập luyện của cha mẹ.
Tuy vậy, hãy loại bỏ những chiếc bánh này càng sớm càng tốt. Bởi khi để trẻ tự học giữ thăng bằng, thì quá trình tập đạp xe sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu con bạn chưa thành thạo kỹ năng này, hãy để bé làm quen với xe cân bằng hoặc bạn có thể tự chế bằng cách tháo bàn đạp từ xe trước đó ra.
Nên tháo bánh phụ xe đạp cho bé càng sớm càng tốt
Làm gì khi bé yêu những bánh xe phụ và không muốn tháo chúng?
Một số trẻ em sẽ khó chịu và hoảng sợ khi luyện tập mà không có bánh phụ xe đạp trẻ em. Bởi các bé đã quá gắn bó và quen thuộc với những chiếc bánh phụ.
Nếu trẻ vẫn đang vui vẻ trên chiếc xe đạp trẻ em có bánh phụ của mình, đó là điều quan trọng. Khi bạn quá nghiêm khắc và dứt khoát trong việc loại bỏ đi bánh xe phụ, trẻ có thể mất đi niềm vui và động lực để đạp xe.
Đối với trường hợp này, cha mẹ hãy luôn mềm mỏng và kiên nhẫn. Đồng thời, hãy dần dần nâng bánh phụ lên cao, không để bánh chạm đất. Chiếc xe có thể nghiêng qua nghiêng lại, nhưng trẻ bắt buộc phải tự học cách vững vàng với 2 chiếc bánh xe chính còn lại.
Khi bé đã dần có cảm giác cân bằng, lúc này cha mẹ có thể tháo rời bánh phụ ra. Điều quan trọng là hãy luôn đồng hành, động viên bé, để bé luôn có cảm giác hạnh phúc và an toàn.
Bánh phụ xe đạp trẻ em luôn phải cao hơn bánh xe chính?
Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề! Nếu con của bạn không thoải mái với sự mất đồng đều này, bạn có thể tạm thời hạ thấp bánh phụ xuống để chúng trở nên ổn định hơn.
Tuy nhiên, khi trẻ vẫn thoải mái trong quá trình đi xe, bạn nên nâng các bánh phụ lên một lần nữa để con bạn hơi nghiêng sang một bên. Điều này buộc trẻ phải học cách cân bằng và về sau sẽ bớt lệ thuộc vào bánh xe phụ.
Cha mẹ có thể tùy chỉnh độ cao của bánh phụ
Làm thế nào để điều chỉnh bánh phụ xe đạp trẻ em
Để tăng hoặc giảm độ tiếp xúc các bánh xe phụ với mặt đất, bạn cần nới lỏng các đai ốc giữa bánh xe phụ và khung xe đạp. Tiếp theo, điều chỉnh độ cao của bánh xe theo ý muốn, và sau đó siết chặt lại các đai ốc.
Hãy quan sát con bạn khi đi xe. Nếu trẻ vẫn gặp khó khăn, hãy hạ thấp các bánh xe đạp xuống để hỗ trợ trẻ nhiều hơn. Nếu trẻ chỉ hơi lắc lư và vẫn mà vẫn có thể di chuyển về phía trước, vậy hãy dần dần nâng cao các bánh phụ theo thời gian. Từ đó dạy trẻ làm quen với việc đi xe mà không có chúng.
Nhìn chung, xe đạp trẻ em có bánh phụ là phương tiện cho bé giải trí, vui chơi một cách an toàn. Tuy nhiên phụ huynh không nên để bé lệ thuộc quá nhiều vào những chiếc bánh phụ. Tốt nhất hãy giúp bé học giữ thăng bằng từ sớm, nhờ đó mà bé mới có thể nhanh chóng sử dụng thành thạo các loại xe đạp trẻ em từ 2 - 12 tuổi 2 bánh thông thường.